Vai trò sau chế độ apartheid Desmond Tutu

Sau khi chế độ apartheid sụp đổ, Tutu đứng đầu Ủy ban Hòa giải và Sự thật. Ông từ chức Tổng Giám mục Cape Town năm 1996 và được phong Tổng Giám mục danh dự (emeritus) Cape Town, một tước hiệu danh dự ít sử dụng trong giáo hội Anh giáo[10] Ông được Njongonkulu Ndungane kế vị. Tại buổi lễ tạ ơn nhân dịp Tutu từ chức Tổng Giám mục năm 1996, Nelson Mandela đã nói rằng "ông đã đóng góp quá nhiều cho dân tộc chúng ta".[11]

Tutu thường được coi là người đặt ra thuật ngữ Rainbow Nation (Dân tộc Cầu vồng) như là một ẩn dụ cho Nam Phi sau thời kỳ apartheid sau năm 1994 dưới sự cai trị của Đại hội Dân tộc Phi. Thuật ngữ này từ đó đã đi vào ý thức của đại đa số dân để mô tả sự đa dạng dân tộc của Nam Phi.

Từ khi nghỉ hưu, Tutu đã làm việc như một nhà hoạt động toàn cầu về những vấn đề liên quan tới dân chủ, tự donhân quyền. Năm 2006, Tutu đã phát động một chiến dịch toàn cầu, do tổ chức Plan tổ chức, nhằm bảo đảm cho mọi trẻ em được ghi vào sổ khai sinh khi sinh ra, vì một đứa trẻ không có tên trong sổ khai sinh thì không chính thức hiện hữu và dễ bị làm mồi cho bọn buôn lậu và dễ bị tổn thương trong thiên tai.[12]

Tutu đã loan báo rút lui khỏi sinh hoạt công cộng khi tròn 79 tuổi vào tháng 10 năm 2010

" Để được già đi một cách thoải mái, trong tổ ấm với gia đình – đọc và viết, cầu nguyện và suy tư – thay vì mất quá nhiều thời gian ở các sân bay và trong khách sạn".[13]

Vai trò ở Nam Phi

Tutu được đa số người coi là "lương tâm luân lý của Nam Phi"[14] và đã được cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela mô tả là: "đôi khi gay gắt, thường dịu dàng, không hề sợ hãi và ít khi không hài hước, tiếng nói của Desmond Tutu sẽ luôn luôn là tiếng nói của người không nói được".[11] Từ khi nghỉ hưu, Tutu đã chỉ trích chính phủ Nam Phi mới. Tutu đã lón tiếng lên án tình trạng tham nhũng, sự vô tích sự của chính phủ do Đại hội Dân tộc Phi lãnh đạo trong việc giải quyết tình trạng nghèo khổ, và các vụ bạo động bài ngoại nổ ra gần đây trong một số khu người da đen ở Nam Phi.

Sau một thập kỷ tự do cho Nam Phi, Tutu vinh dự được mời tới nói chuyện tại "Quỹ Nelson Mandela" hàng năm. Ngày 23.11.2004, Tutu đã thuyết trình bài mang tên "Look to the Rock from Which You Were Hewn". Bài nói chuyện này, chỉ trích chính phủ do Đại hội Dân tộc Phi kiểm soát, gây ra sự tranh cãi giữa Tutu và Thabo Mbeki, đặt thành vấn đề "quyền phê bình chỉ trích".[15]

Chống chính sách kinh tế và tình trạng tham nhũng trong chính phủ

Tutu đã công kích gay gắt giới chóp bu chính trị của Nam Phi, nói rằng đất nước đang"ngồi trên một thùng thuốc súng"[16] vì đã thất bại trong việc làm giảm nghèo, một thập kỷ sau khi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã chấm dứt. Tutu cũng nói rằng các nỗ lực để thúc đẩy quyền sở hữu kinh tế đen chỉ mang lại lợi ích cho một thiểu số người chóp bu, trong khi sự khuất phục chính trị bên trong "Đại hội Dân tộc Phi" cầm quyền đã cản trở nền dân chủ. Tutu hỏi, "Việc trao quyền đen là gì khi nó dường như không có lợi cho đại đa số, mà chỉ có lợi cho một tầng lớp thượng lưu có xu hướng sẽ được trở lại cầm quyền?"[16]

Tutu đã cảnh báo tình trạng tham nhũng ngay sau khi chính phủ của Đại hội Dân tộc Phi được bầu lại, nói rằng họ "chỉ ngừng việc kiếm tiền mà không tốn công sức bao lâu mà họ thấy là đã đủ cho chính họ".[17] Tháng 8 năm 2006 Tutu đã công khai kêu gọi Jacob Zuma - chính trị gia Nam Phi (nay là Tổng thống) - người đã bị cáo buộc phạm tội tình dục và tham nhũng, hãy từ bỏ cuộc đua để kế nhiệm chức tổng thống của "Đại hội Dân tộc Phi". Ông nói trong một bài nói truyện công khai rằng ông sẽ không có thể ngẩng "cao đầu" mình nếu Zuma trở thành nhà lãnh đạo sau khi bị cáo buộc tội hiếp dâm và tham nhũng. Tháng 9 năm 2006, Tutu lặp đi lặp lại sự chống đối việc Zuma ứng cử làm nhà lãnh đạo "Đại hội Dân tộc Phi" vì Zuma "thiếu đạo đức"."[18]

Bạo động bài ngoại năm 2008

Tutu đã lên án cuộc bạo động bài ngoại xảy ra ở một số nơi ở Nam Phi trong tháng 5 năm 2008. Tutu, người đã từng can thiệp trong những năm chủ nghĩa phân biệt chủng tộc để ngăn chặn một đám đông "necklacing"[19] một người đàn ông,[20][21] nói rằng khi Nam Phi đấu tranh chống lại chủ nghĩa apartheid, họ đã được những người trên khắp thế giới ủng hộ và đặc biệt là những người ở châu Phi. Mặc dù họ nghèo, nhưng những người châu Phi khác đã chào đón người dân Nam Phi như là người tị nạn, và cho phép các phong trào giải phóng Nam Phi đặt căn cứ trong lãnh thổ của họ, ngay cả khi nước họ có thể bị Lực lượng quốc phòng Nam Phi tấn công.. Tutu kêu gọi người dân Nam Phi chấm dứt bạo lực, khiến hàng ngàn người tị nạn đã tìm chỗ nương náu trong các nơi trú ẩn.[22]

Chủ tịch nhóm The Elders

Ngày 18.7.2007 Nelson Mandela, Graça Machel, và Tutu triệu tập The Elders - một nhóm các nhà lãnh đạo thế giới - tới họp ở Johannesburg, để đóng góp trí tuệ, lòng tốt, tài lãnh đạo và sự liêm chính của họ để giải quyết một số vấn đề khó khăn nhất của thế giới. Mandela đã công bố việc hình thành nhóm trong một bài phát biểu vào ngày sinh nhật thứ 89 của mình. Tutu làm Chủ tịch nhóm này. Các thành viên sáng lập khác có Kofi Annan, Ela Bhatt, Gro Harlem Brundtland, Jimmy Carter, Li Zhaoxing, Mary Robinson, Jonathan Park, Muhammad YunusAung San Suu Kyi, người mà ghế được để trống tượng trưng, vì bà bị giam giữ như một tù nhân chính trị ở Myanmar (không thể tới họp).

"Nhóm này có thể nói cách tự do và mạnh dạn, làm việc vừa công khai, vừa ở đằng sau hậu trường về bất cứ hành động nào cần được thực hiện", Mandela nhận xét như vậy. "Chúng ta sẽ cùng nhau làm việc để hỗ trợ cho lòng can đảm ở nơi có sự sợ hãi, thúc đẩy sự thỏa thuận ở nơi có xung đột, và tạo hy vọng cho nơi có tuyệt vọng".[23] Nhóm The Elders được tài trợ cách độc lập bởi nhóm thành viên sáng lập, trong đó có Sir Richard Branson, Peter Gabriel, Ray Chambers, Michael Chambers, Quỹ Bridgeway, Pam Omidyar, Humanity United, Amy Robbins, Shashi Ruia, Dick Tarlow và Quỹ Liên Hiệp Quốc.

Vai trò trong thế giới đang phát triển

Tổng Giám mục Desmond Tutu được xét nghiệm HIV tại "The Desmond Tutu HIV Foundation's Tutu Tester", một đơn vị xét nghiệm lưu động

Tutu đã tập trung lôi kéo sự chú ý tới các vấn đề như nghèo đói, bệnh AIDS và các chính phủ không dân chủ trong Thế giới thứ ba. Đặc biệt, ông đã tập chú tới các vấn đề ở ZimbabwePalestine. Tutu cũng dẫn phái đoàn nhóm The Elders đầu tiên tới Sudan vào tháng 9, tháng 10 năm 2007 để thúc đẩy hòa bình trong cuộc xung đột Darfur. Tutu nói:

"Hy vọng của chúng tôi là có thể giữ cho Darfur ở cương vị nổi bật và thúc đẩy các chính phủ giúp gìn giữ hòa bình trong khu vực".[24]

Zimbabwe

Tutu đã lên tiếng chỉ trích các vi phạm nhân quyền ở Zimbabwe cũng như chính sách ngoại giao thầm lặng của chính phủ Nam Phi đối với Zimbabwe. Năm 2007, ông nói việc "ngoại giao thầm lặng" mà Cộng đồng Phát triển Nam Phi (Southern Africa Development Community, vt. là SADC) theo đuổi đã "chẳng làm gì" và ông kêu gọi Anh và phương Tây làm áp lực với SADC, trong đó có Nam Phi, chủ trì các cuộc đàm phán giữa đảng Zanu-PF của Tổng thống Mugabe và phe đối lập Phong trào vì thay đổi Dân chủ (Movement for Democratic Change – Tsvangirai), để định thời hạn chắc chắn cho hành động, với hậu quả sẽ có nếu họ không gặp nhau.[25] Trong quá khứ Tutu thường chỉ trích Robert Mugabe và đã có lần ông mô tả nhà lãnh đạo chuyên quyền Mugabe là "một nhân vật biếm họa của một nguyên mẫu nhà độc tài châu Phi".[14] Năm 2008, ông kêu gọi Cộng đồng quốc tế hãy can thiệp vào Zimbabwe – bằng vũ lực nếu cần.[26] Về phần Mugabe, ông đã gọi Tutu là "một tiểu Giám mục cáu kỉnh, xấu xa và cay đắng".[27]

Tutu thường nói rằng mọi nhà lãnh đạo ở châu Phi phải lên án Zimbabwe: "Thật là một vết nhơ khủng khiếp trên quyển vở của chúng ta. Chúng ta có thực sự quan tâm về nhân quyền, chúng ta có để ý là những người bằng xương bằng thịt, các dân châu Phi bạn bè, đang được đối xử như rác rưởi, hầu như tồi tệ hơn những gì họ đã từng bị đối xử bởi bọn phân biệt chủng tộc điên cuồng?"[14] Sau cuộc bầu cử tổng thống Zimbabwe tháng 4 năm 2008, Tutu tỏ ý hy vọng là Mugabe sẽ từ chức sau khi có tin ban đầu là Mugabe đã thất cử. Tutu khẳng định lại sự ủng hộ quá trình dân chủ và hy vọng rằng Mugabe sẽ tuân theo tiếng nói của người dân.[28]

Tutu nói ông lo sợ rằng cuộc bạo loạn sẽ nổ ra ở Zimbabwe nếu các kết quả bầu cử bị lờ đi. Ông đề nghị gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới khu vực này để bảo đảm sự ổn định.[28]

Quần đảo Solomon

Năm 2009, Tutu tham gia việc thiết lập Ủy ban Hòa giải và Sự thật của quần đảo Solomon, theo mô hình ủy ban của Nam Phi cùng tên.[29][30] Ông phát biểu tại buổi lễ ra mắt chính thức của ủy ban này ở Honiara, ngày 29 tháng 4 năm 2009, nhấn mạnh yêu cầu cần thiết của sự tha thứ để xây dựng hòa bình lâu dài.[31]

Israel

Tutu đã thừa nhận vai trò quan trọng của người Do Thái trong cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc ở Nam Phi và đã lên tiếng ủng hộ mối quan tâm về an ninh của Israel, chống lại cuộc đánh bom tự sát.[32] Ông cũng là người đề xướng và hoạt động tích cực cho đợt vận động đưa đầu tư ra khỏi Israel,[33] vì việc Israel đối xử với những người Palestine cũng tương tự như việc đối xử của chính quyền da trắng với dân da đen Nam Phi trong thời apartheid.[32] Tutu đưa ra sự so sánh này nhân chuyến viếng thăm Jerusalem dịp lễ Giáng sinh năm 1989, khi ông nói rằng ông là một người "da đen Nam Phi, và nếu tôi có thể thay đổi tên gọi, thì một sự mô tả những gì xảy ra ở Dải Gaza và ở Bờ Tây có thể mô tả những sự việc xảy ra ở Nam Phi".[34] Ông cũng đưa ra những bình luận tương tự trong năm 2002, nói về "sự sỉ nhục của những người Palestine phải chịu tại các trạm kiểm soát và các rào chắn đường cũng giống như của chúng tôi khi các viên sĩ quan cảnh sát trẻ người da trắng ngăn không cho chúng tôi đi qua".[35]

Năm 1988, Ủy ban người Do Thái Hoa Kỳ ghi nhận là Tutu chỉ trích kịch liệt quan hệ quân sự và quan hệ khác của Israel với Nam Phi trong thời apartheid, và dẫn lời ông nói rằng chủ nghĩa Zionism (chủ nghĩa phục quốc Do Thái) có "rất nhiều điểm tương đồng với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc", vì nó "loại trừ những người dựa trên cơ sở dân tộc hay nguyên nhân khác mà họ không thể kiểm soát". Trong khi Ủy ban người Do Thái Hoa Kỳ chỉ trích một số quan điểm của Tutu, nhưng bác bỏ "tin đồn ngấm ngầm" là ông đã có lời lẽ chống-Semit.[36] (Lời văn chính xác của tuyên bố của Tutu đã được tường thuật khác nhau trong các nguồn khác nhau. Một bài trên tờ "Toronto Star" từ thời kỳ này cho thấy rằng ông mô tả chủ nghĩa Zionism "như là một chính sách dường như có nhiều điểm tương đồng với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, tác dụng là như nhau")[37]

Tutu đưa ra một thông điệp về sự tha thứ trong chuyến viếng thăm Viện bảo tàng Yad Vashem của Israel năm 1989, nói rằng: "Chúa chúng ta sẽ nói là cuối cùng thì điều tích cực có thể đến là tinh thần tha thứ, chứ không phải lãng quên, nhưng tinh thần nói: Chúa ơi, điều này đã xảy ra cho chúng tôi. Chúng tôi cầu nguyện cho những ai đã mang lại điều đó, xin hãy giúp chúng tôi tha thứ cho họ và hãy giúp chúng tôi, để tới lượt chúng tôi sẽ không làm cho những người khác đau khổ".[38] Một số người thấy lời nói này xúc phạm, như rabbi Marvin Hier của Trung tâm Simon Wiesenthal gọi đó là "một sự xúc phạm miễn phí cho người Do Thái và các nạn nhân của chủ nghĩa Quốc xã ở khắp mọi nơi".[39] Tutu đã là đối tượng của sự dèm pha chủng tộc trong chuyến viếng thăm Israel này, với chữ viết của kẻ bôi nhọ "Con heo quốc xã đen" (Black Nazi pig) trên các bức tường của nhà thờ chính tòa thánh George ở Đông Jerusalem, nơi ông cư ngụ.[38]

Năm 2002, khi đưa ra bài nói truyện trước công chúng, ủng hộ việc thôi đầu tư vào Israel, Tutu đã nói "Tôi thật đau lòng. Tôi nói tại sao ký ức của chúng ta quá ngắn. Có anh chị em Do Thái nào của chúng tôi đã quên sự sỉ nhục của họ. Họ đã quên sự trừng phạt tập thể, các vụ phá hủy nhà, trong chính lịch sử của họ sớm như vậy? Họ đã quay lưng lại với truyền thống tôn giáo sâu xa và cao thượng của họ sao? Họ đã quên rằng Thiên Chúa quan tâm sâu xa về người bị áp bức?"[32] Ông lập luận rằng, Israel không bao giờ có thể sống trong an ninh bằng cách đàn áp một dân tộc khác, và nói, "Mọi người đang sợ hãi ở đất nước này (Hoa Kỳ), nói sai là sai bởi vì việc vận động hành lang của người Do Thái là mạnh mẽ - rất mạnh mẽ. Vậy thì sao ? Vì Chúa, đây là thế giới của Chúa ! Chúng ta sống trong một vũ trụ đạo đức. Chính phủ apartheid đã rất mạnh mẽ, nhưng ngày nay nó không còn tồn tại nữa".[32] Lời phát biểu sau đó đã bị một số nhóm người Do Thái chỉ trích, trong đó có Anti-Defamation League (Liên đoàn chống phỉ báng).[40][41] Khi biên tập và in lại từng phần bài nói chuyện đó trong năm 2005, Tutu đã thay các từ "Jewish lobby" (vận động hành lang của người Do Thái) bằng các từ "pro-Israel lobby" (vận động hành lang thân Israel).[42]

Trong Hội nghị Durban II gây tranh cãi trong tháng 4 năm 2009, luật sư người Mỹ Alan Dershowitz cho Tutu là một "người phân biệt chủng tộc và người tin mù quáng".[43]

Các Kitô hữu Palestine

Năm 2003, Tutu nhận vai trò bảo trợ Quốc tế Sabeel,[44] một tổ chức thần học giải phóng Kitô giáo ủng hộ lợi ích của cộng đồng Kitô giáo Palestine và tích cực vận động hành lang bên cạnh Cộng đồng Kitô hữu quốc tế cho việc "đưa đầu tư ra khỏi Israel".[45] Cùng năm, Tutu nhận làm người ủng hộ quốc tế cho Giải thưởng Hòa bình từ Trường Luật Cardozo, một chi nhánh của Đại học Yeshiva, gây ra các vụ phản đối lưa thưa của sinh viên và những sự lên án từ những người đại diện "Trung tâm Simon Wiesenthal" và "Liên đoàn chống Phỉ báng".[46] Một mục ý kiến trên báo Jerusalem Post năm 2006 mô tả ông như "một người bạn của Israel và người Do Thái, mặc dù bị hướng dẫn sai".[47]

Dải Gaza

Tutu được Liên Hiệp Quốc bổ nhiệm dẫn đầu phái đoàn điều tra việc Israel ném bom trong vụ Vụ rắc rối tại Beit Hanoun 2006. Israel đã từ chối không cho phái đoàn của Tutu nhập cảnh nên tới năm 2008 việc điều tra không thành.

Trong nhiệm vụ tìm hiểu thực tế đó, Tutu đã gọi việc phong tỏa Dải Gaza là hành động ghê tởm[48] và so sánh lối ứng xử của Israel với lối ứng xử của nhóm sĩ quan quân sự cai trị Myanma.

Phản đối Tutu ở Hoa Kỳ

Năm 2011 một số thành viên của "Hiệp hội bệnh tâm thần Hoa Kỳ" đã từ chối tham dự cuộc họp hàng năm của nhóm ở Honolulu để phản đối việc chọn Tutu làm phát ngôn viên vì ông được cho là có những lời phát biểu "bài Do Thái". Dr. Thomas G. Gutheil còn đi xa hơn là rút lui khỏi tổ chức này.[49][50][51]

Năm 2007, chủ tịch Đại học St. ThomasMinnesota đã hủy bỏ cuộc nói chuyện của Tutu đã được dự kiến trước, với lý do là sự hiện diện của ông có thể khiến một số thành viên trong cộng đồng người Do Thái địa phương bất mãn.[52] Nhiều thành viên trong Ban giảng huấn của trường đã phản đối quyết định này, và một số người mô tả Tutu là nạn nhân của một chiến dịch bôi nhọ. Nhóm Jewish Voice for Peace đã dẫn đầu một chiến dịch gửi thư điện tử kêu gọi Đại học St. Thomas xem xét lại quyết định của mình,[53] khiến ông chủ tịch đã xét lại và mời Tutu tới trường.[54] Tutu khước từ lời mời lại này, thay vào đó ông tới nói chuyện ở "Trung tâm hội nghị Minneapolis" nhân một sự kiện do "Metro State University" tổ chức.[55] Tuy nhiên, 2 ngày sau Tutu đã tới nói chuyện ở đại học St. Thomas, sau khi chấm dứt cuộc viếng thăm "Metro State University"."Có những người đã thử nói "Tutu không nên tới (Đại học St.Thomas) để nói chuyện." Tôi ở cách xa đây 10.000 dặm và tôi tự nghĩ: "À, không", bởi vì ở đây có nhiều người đã nói "Không, hãy đến và nói chuyện",Tutu nói. "Mọi người đã đến và đứng lên và đã có các phát biểu rằng "Hãy để cho Tutu nói". [Metropolitan State University] nói:" Dù thế nào, ông ta có thể đến và nói chuyện ở đây. "Giáo sư Toffolo và những người khác nói: "Chúng tôi ủng hộ ông.' Vì vậy, chúng ta hãy ủng hộ họ".[56]

Trung quốc

Năm 2007 Tutu viết thư cho chính phủ Trung Quốc yêu cầu thả nhà bất đồng chính kiến Dương Kiến Lợi.[57] Ông chỉ trích Trung Quốc là đã không làm gì nhiều chống lại cuộc xung đột Darfur.[58] Trong cuộc Bạo động năm 2008 tại Tây Tạng, Tutu ca tụng Đạt-lại Lạt-ma thứ 14 và nói rằng chính phủ Trung quốc phải "nghe theo những lời yêu cầu [của ông ta] để... không bạo hành thêm nữa".[59] Sau đó ông nói tại một cuộc mít tinh kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc gia khắp thế giới không tới dự Lễ khai mạc Thế vận hội Mùa hè 2008 "vì dân tộc Tây Tạng".[60]

Vai trò ở Liên Hiệp Quốc

Năm 2003, ông được bầu vào Ban Giám đốc "Quỹ Ủy thác cho các nạn nhân" của Tòa án Hình sự Quốc tế.[61] Năm 2006 ông được bổ nhiệm làm thành viên của ban cố vấn của Liên Hiệp Quốc về phòng, chống tội diệt chủng.[62]

Tuy nhiên, Tutu cũng chỉ trích Liên Hiệp Quốc, đặc biệt về vấn đề Tây Papua. Tutu bày tỏ sự ủng hộ phong trào độc lập Tây Papua, chỉ trích vai trò của Liên Hiệp Quốc trong việc để cho Indonesia tiếp quản Tây Papua. Tutu nói: "Trong nhiều năm người dân Nam Phi đã phải chịu dưới ách áp bức và phân biệt chủng tộc. Nhiều người tiếp tục bị đàn áp tàn bạo, phẩm cách cơ bản như là con người của họ bị từ chối. Một dân tộc giống như vậy là dân tộc Tây Papua."[63]

Tutu được bổ nhiệm đứng đầu phái bộ Liên Hiệp Quốc tìm hiểu thực tế vụ việc ở thị trấn Beit Hanoun thuộc Dải Gaza, nơi mà trong vụ Vụ rắc rối tại Beit Hanoun 2006 Lực lượng Phòng vệ Israel đã giết 19 thường dân sau khi đội quân tiến hành xong cuộc đột nhập kéo dài một tuần lễ nhằm mục đích kiềm chế "vụ người Palestine bắn hỏa tiễn vào Israel năm 2006" từ thị trấn này.[64] Theo chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc,Luis Alfonso De Alba thì Tutu dự định đi tới lãnh thổ Palestine để "đánh giá tình trạng của các nạn nhân, xem xét giải quyết các nhu cầu của những người sống sót và đưa ra các khuyến nghị về cách thức và phương tiện để bảo vệ thường dân Palestine chống lại các cuộc tấn công tiếp tục của Israel".[65] Các quan chức Israel bày tỏ lo ngại rằng bản báo cáo sẽ thiên vị chống lại Israel. Tutu hủy bỏ chuyến đi vào giữa tháng Mười Hai, nói rằng Israel đã từ chối cấp cho ông giấy phép du hành cần thiết sau hơn một tuần lễ thảo luận.[66]Tuy nhiên, Tutu và giáo viên đại học người Anh Christine Chinkin nay được sắp đặt tới thăm Dải Gaza qua lối Ai Cập và sẽ nộp một báo cáo cho Hội đồng Nhân quyền tại kỳ họp tháng 9 năm 2008.[67]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Desmond Tutu http://etf.univie.ac.at/desmondtutu http://www.theaustralian.news.com.au/story/0,25197... http://www.racismnoway.com.au/classroom/factsheets... http://www.theage.com.au/opinion/politics/spirit-t... http://www.cbc.ca/thehour/video.php?id=1590 http://www.soldatidipace.blogspot.com/ http://theelders-news.blogspot.com/2008/01/for-imm... http://edition.cnn.com/2009/WORLD/europe/10/24/int... http://edition.cnn.com/2010/WORLD/africa/07/22/sou... http://www.cnn.com/2007/WORLD/asiapcf/09/16/talkas...